Cô giáo Phượng được biết đến trước đây với câu chuyện “từ vườn chuối tôi nhìn ra thế giới” gây bão mạng xã hội.
Cô kể lại, hôm đó cô đang thực hiện lớp học không biên giới trực tuyến với học sinh nước ngoài thì nhà mất điện.
“Sợ phiền nên em ngồi ở vườn chuối nhà mình để bắt nhờ wifi nhà hàng xóm dạy nốt buổi. Buổi học đó, cô trò kết nối với học sinh của 4 châu lục và thu được nhiều điều quý giá.
Em nghĩ bản thân mình có xuất phát điểm rất thấp nhưng đã làm được. Vì thế, em tin nhiều bạn trẻ sẽ làm được, nhất là trong thời đại 4.0”, cô Phượng cho hay.
Tốt nghiệp cao học ở Hà Nội, cô Hà Ánh Phượng trở về Phú Thọ, được đặc cách vào dạy tại THPT Hương Cần - một trường miền núi với hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số.
Cô áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến, triển khai mô hình lớp học xuyên biên giới để giúp học sinh thực hành tiếng Anh, tăng sự tự tin và vốn hiểu biết văn hóa.
Cô Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban tổ chức giải thưởng Giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foundation) lựa chọn, cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc.
Giải thưởng Giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey (Varkey Foundation) thành lập năm 2014.
Mỗi năm, Ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia (năm 2019 là hơn 10.000, năm 2017 có 30.000 hồ sơ, năm nay chưa công bố).
Một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục sẽ được lựa chọn để nhận giải thưởng trị giá một triệu USD
Mỹ Hà