Chào mừng bạn đến với trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang!

Nâng tầm kỹ năng lao động, nâng tầm sức mạnh quốc gia

Ngày 01/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg, lấy ngày 04/10 hằng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Việc Chính phủ chọn ngày 4/10 là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của các kỹ năng trong quá trình thực hành nghề nghiệp đối với người lao động, thúc đẩy tăng năng suất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội

Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng

Kỹ năng lao động là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, hiệu quả làm việc của người lao động.

Thi tốt nghiệp nghề Điện Công nghiệp

* Nhận diện các tồn tại của lao động Việt Nam

Theo các chuyên gia, kỹ năng nghề nghiệp được hiểu là khả năng của con người thực hiện công việc hiệu quả trong một thời gian thích hợp, với điều kiện nhất định, dựa vào sự tích hợp thuần thục các kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động. Kỹ năng lao động là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, hiệu quả làm việc của người lao động.

Tuy nhiên, theo phân tích của Tổng cục Thống kê, bình quân hai năm 2021 - 2022, năng suất lao động ở nước ta tăng 4,65%/năm, còn khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) đặt ra là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân mỗi năm đạt trên 6,5%.

Nghĩa là để đạt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025, bình quân trong ba năm 2023 - 2025, mỗi năm năng suất lao động Việt Nam cần tăng khoảng 7,8%. Đây là thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam.

Thực tiễn quá trình phát triển đất nước cho thấy, việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hiện còn tồn tại tình trạng cơ cấu đào tạo không hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Đặc biệt, một số lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, thiếu ý thức tiết kiệm về nguyên vật liệu và thời gian, người quản lý lẫn người lao động còn yếu về ý thức tiết kiệm. Ngoài ra, có những lao động thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác, gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến. Đây là rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động.

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, nguồn nhân lực Việt Nam hiện khá dồi dào so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Song, cơ cấu lao động theo trình độ và các ngành kinh tế còn nhiều bất cập. Lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ chỉ chiếm 26,4%. Thị trường lao động nhìn chung phát triển không đồng đều, mất cân đối về cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu, đây là khu vực được đánh giá yếu nhất về kỹ năng nghề.

Thi tốt nghiệp nghề Công nghệ ô tô

Thị trường lao động của vùng và từng tỉnh, thành phố có nhiều biến động, số lượng và chất lượng việc làm có xu hướng tăng qua các năm. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động qua đào tạo tăng nhanh về số lượng nhưng lại chưa đồng bộ với nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhu cầu nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng của doanh nghiệp, xã hội và hội nhập.

Thời gian tới, xu hướng cơ cấu lao động có sự chuyển đổi từ nhóm nghề giản đơn sang những nghề kỹ thuật chuyên môn, lao động giản đơn trở nên yếu thế. Khi đó, nhu cầu tuyển dụng phát triển chính là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ, kỹ năng liên quan đến chuyên môn của từng nghề đặc thù gắn với kỹ năng “mềm”.

Thi tốt nghiệp nghề Hàn

* Tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia

Trước thực tế và tồn tại nêu trên, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, việc đẩy mạnh, tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng thị trường lao động, nhất là nhân lực có tay nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết.

Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, một trong những giải pháp quan trọng là cần hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động. Các cơ quan chức năng cần xây dựng và cung cấp chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; có chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động; khuyến khích người sử dụng lao động tham gia đào tạo kỹ năng cho người lao động, tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số ngắn hạn theo hình thức thường xuyên, linh hoạt.

Việc nâng cao năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào trình độ, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, chuyển đổi, nâng cao kỹ năng cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu là rất cần thiết, vừa góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trong tình hình mới, vừa là chính sách an sinh khi nỗ lực duy trì việc làm, duy trì mức lương cơ bản giúp người lao động trang trải cuộc sống, góp phần ổn định kinh tế-xã hội.

Thi tốt nghiệp nghề Kinh doanh thương mại và dịch vụ

Kỹ năng nghề nghiệp là khả năng ứng dụng thành thạo tri thức và kỹ thuật, công nghệ mới trong quá trình lao động sản xuất; đồng thời có khả năng ứng biến linh hoạt trong mọi hoàn cảnh... để lao động sáng tạo. Cho nên, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho người lao động sẽ có hai xu hướng:

Thứ nhất, đào tạo, đào tạo lại trong cùng lĩnh vực ngành nghề đó nhưng theo hướng tiếp cận công nghệ mới, ví dụ từ nông nghiệp sang nông nghiệp công nghệ cao, từ lĩnh vực dệt may thủ công sang lĩnh vực dệt may công nghiệp, công nghệ cao, tự động hóa…

Thứ hai là đào tạo, đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp do nghề cũ bị mất đi. Chẳng hạn, từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp hoặc dịch vụ, từ lĩnh vực công nghiệp sang lĩnh vực điều khiển, tự động hóa.

Thi tốt nghiệp nghề Công nghệ kỹ thuật cơ khí

* Đề xuất với doanh nghiệp trong hoạt động nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động:

Một là: Thường xuyên nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động thông qua đào tạo nội bộ để kịp thời, chủ động trong đào tạo kỹ năng, phổ biến, cập nhật quy định pháp luật cho người lao động một cách nhanh chóng.

Hai là: Định kỳ tổ chức kiểm tra kiến thức người lao động ở các bộ phận, dây chuyền sản xuất kinh doanh, qua đó nắm bắt kịp thời khả năng, năng lực của người lao động.

Ba là: Có chính sách lương, thưởng theo vị trí việc làm, kỹ năng và trình độ chuyên môn, ghi nhận năng lực và kết quả công việc từng cá nhân, tạo động lực khuyến khích người lao động phát huy năng lực, kỹ năng, trách nhiệm tăng năng suất, hiệu quả công việc.

Bốn là: Thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tham gia vào quá trình đào tạo (tham gia xây dựng chương trình đào tạo, kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghề của người học, tổ chức cho học sinh – sinh viên thực hành, thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp); đặt hàng đào tạo; tuyển dụng lao động đã qua đào tạo./.

Tin bài: Trần Nhữ Thanh (tổng hợp)
Ảnh: Hoàng Hà

Mới nhất

dkxt