Tại phiên thảo luận, ngay trước giờ giải lao, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.
Giải trình những vấn đề được đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cùng với những thành tựu về kinh tế, thời gian vừa qua với sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, các lĩnh vực an sinh xã hội đã được được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả.
Các chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo đều được quan tâm thông qua việc Nhà nước ban hành các chính sách, các thể chế về vấn đề này và có nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội.
Cho rằng những chính sách này đã góp phần rất quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế tạo nên kết quả ngày hôm nay, Bộ trưởng thông tin, đã hỗ trợ 87 nghìn tỷ cho hơn 56 triệu lượt người lao động, người dân và trên 730.000 người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. “Đây là điều chưa từng có tiền lệ, trong khi các nước thông thường những chính sách này sẽ phát đại trà, còn đối với chúng ta đối tượng đa dạng, lĩnh vực rộng lớn, kinh phí đòi hỏi triển khai nhanh” - Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dù còn nhiều khó khăn song đời sống nhân dân được cải thiện một bước. Thu nhập bình quân người lao động tăng, qua khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy đạt 7,6 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khu vực dịch vụ bình quân đạt trên 8 triệu đồng, tăng 29,4 %.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, một số vấn đề nhà trọ, chính sách an sinh đối với học sinh nhu cầu thiết yếu cũng đã được các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn.
Riêng về chương trình giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng khẳng định “đây là một trong 3 chương trình hoàn thiện nhanh nhất, sớm nhất và đồng bộ”.
Khẳng định không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động
Bộ trưởng nhắc lại nỗi lo lắng cách đây 1 năm khi đại dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, dòng người gần 3 triệu người di chuyển từ TP Hồ Chí Minh về các địa phương. “Chúng tôi lo lắng đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng đến giờ này khẳng định không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Chúng ta đã trở lại bình thường nhanh hơn so với dự báo của các tổ chức quốc tế và so với chúng ta" - Bộ trưởng cho biết. Hiện nay quy mô lao động đạt 51,9 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động đạt 68,7%, tỷ lệ thất nghiệp trong quý III là 2,28 %.
Về công tác giáo dục nghề nghiệp, theo Bộ trưởng, thời gian qua đã có chuyển biến tích cực hơn về quy mô lẫn chất lượng. Tỷ lệ người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội, gia đình của người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn.
Điều đáng mừng kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường, tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ đào tạo được tăng lên. Lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý cho các doanh nghiệp FDI tăng nhanh, chúng ta đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc la làm rất phức tạp, trước đây đều do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là trong các lĩnh vực cơ điện tử, viễn thông, dầu khí.
Bộ trưởng thông tin thêm, "tại Hội thi tay nghề thế giới vừa diễn ra, Việt Nam đạt 2 huy chương bạc - đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay".
Dù đạt nhiều kết quả, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhìn nhận, công tác đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức.
Về giải pháp, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động hiện đại, bền vững phát triển.
Cùng với đó, thực hiện đào tạo ghép cơ chế doanh nghiệp, nhà nước và người học tham gia, mỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành; nhất quán chủ trương phân luồng sớm, phân luồng mạnh, nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề.
Tháo gỡ khó khăn về dạy văn hóa trong trường nghề ngay khi kết thúc kỳ họp
“Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã yêu cầu ba Bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung tháo gỡ chuyện này" - Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định quyết tâm kết thúc Kỳ họp này sẽ tháo gỡ được vấn đề và tin rằng những cam kết này sẽ thành công./.