Chào mừng bạn đến với trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang!

Gắn kết đào tạo nghề với tạo việc làm trong giảm nghèo bền vững

Gắn kết đào tạo nghề với tạo việc làm trong giảm nghèo bền vững Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Qua đó, hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Qua đó, hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững.

Hướng dẫn người dân bản Tà Han, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, trồng ngô năng suất cao. (Ảnh: Trần Hải)

Đào tạo nghề và tạo việc làm: Điểm nhấn trong giảm nghèo

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu năm 2022, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng - dự án số 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” - với những mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể.

Nội dung này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, đồng thời, cùng với nâng cao kỹ năng, năng lực cạnh tranh… sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của các vùng, các địa phương và các đối tượng ưu tiên. Chẳng hạn, nếu có chính sách tốt, hỗ trợ người nghèo từ tư vấn hướng nghiệp, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm, sẽ góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững.

Đây là nội dung được ông Độ chia sẻ tại tọa đàm “Vai trò của đào tạo nghề, tạo việc làm trong giảm nghèo bền vững” của báo điện tử Vietnamnet.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: Vietnamnet)

 

Ông Đào Trọng Độ cho hay, trong các chương trình mục tiêu quốc gia của các giai đoạn trước, cũng có những nội dung liên quan đến đào tạo nghề.

Thí dụ, trong Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn cũng xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng. Ở giai đoạn từ 2010-2020, thực hiện đề án này, đã có gần 20% người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề và có việc làm. Trong đó, có hơn 10% trong tổng số hộ nghèo khi được đào tạo nghề có việc làm, có thu nhập ổn định và giảm nghèo một cách bền vững.

Qua khảo sát ở các vùng nông thôn, các huyện nghèo, đã có nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, vừa là việc làm tại chỗ, vừa là việc làm chuyển dịch cho người lao động thành công.

Những năm qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã tham mưu với Chính phủ để ban hành các chính sách, chương trình để xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mang tính chất mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập. Điều này tạo điều kiện cho mọi người dân, người lao động khi có nhu cầu cần đào tạo sẽ phải có địa chỉ, có chương trình đào tạo phù hợp với mình.

Tổng cục cũng tham mưu để sửa đổi các hệ thống văn bản luật, chính sách, chương trình có liên quan, để giáo dục nghề nghiệp là nội dung quan trọng được đưa vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, các lĩnh vực...

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng nỗ lực hết sức trong việc nâng cao năng lực và khả năng đào tạo của mình. Hằng năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo từ 2,2-2,5 triệu lượt người. Đây là một yếu tố quan trọng trong tạo việc làm, cũng như từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung thì cao, chiếm khoảng gần 70%, nhưng số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn khiêm tốn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Vì vậy, hệ thống giáo dục nghề nghiệp không chỉ đào tạo ban đầu, đào tạo cho học sinh tốt nghiệp các cấp, mà cũng phải tập trung đào tạo lực lượng chất lượng cao.

Bên cạnh đó, còn có một lực lượng lao động rất lớn đang làm việc trong thị trường lao động. Nếu không có chương trình đào tạo phù hợp với nhóm đối tượng này, sẽ khó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung thì cao, chiếm khoảng gần 70%, nhưng số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn khiêm tốn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Vì vậy, hệ thống giáo dục nghề nghiệp không chỉ đào tạo ban đầu, không chỉ cho học sinh tốt nghiệp các cấp, mà cũng phải tập trung đào tạo lực lượng chất lượng cao.

Ông Đào Trọng Độ cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững. Đó là tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đây là điểm căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Đào tạo nâng cao kỹ năng, nhận thức là một trong những vấn đề được đề cập sâu, cũng như có các chỉ tiêu cụ thể như: tạo việc làm tại chỗ, hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, chỉ tiêu về người lao động được hỗ trợ đào tạo. Cùng với đó là hỗ trợ đào tạo kỹ năng, hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, để nếu người lao động có nhu cầu, có thể tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Trước đây, việc đào tạo với đối tượng nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn chủ yếu chỉ hướng đến đào tạo kỹ năng cơ bản, tức là đào tạo trình độ sơ cấp hay đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Chương trình lần này đã khác, ngoài thiết kế những hỗ trợ cho đối tượng lao động đó, thì phải hỗ trợ đào tạo trình độ cao. Người lao động được đào tạo trung cấp, cao đẳng để họ có được kỹ năng cao, có năng suất, việc làm tốt hơn.

TS Nguyễn Hoàng Hà, cán bộ Chương trình quốc gia, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhận định, trong dự án số 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đầu tư nguồn ngân sách của Nhà nước có trọng điểm, có đối tượng đích rất rõ rệt và tạo ra động lực phát triển cho các địa phương, bản thân người lao động và người nghèo.

Một điểm mới nữa là xác định các chủ thể rất rõ ràng: Nhà nước tạo ngân sách, tạo điều kiện về chính sách, có môi trường đầu tư phù hợp để thực hiện; các trường nghề được tạo điều kiện để phát triển… và có cả phần hỗ trợ cho chủ thể là người lao động. Chương trình chú trọng cả đối tượng được thụ hưởng, để họ làm việc có kỹ năng tốt và chủ động tham gia vào tiến trình này để tối ưu nguồn đầu tư của Nhà nước.

Tăng khả năng tiếp cận về giáo dục nghề nghiệp ở những vùng nghèo

Ông Đào Trọng Độ chia sẻ, trong lĩnh vực đào tạo nghề, các vùng nghèo có những hạn chế nhất định. Đó là: ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp hơn, ít được quan tâm hơn, khó thu hút người giỏi về dạy, cơ sở vật chất lạc hậu hơn, đi lại khó khăn hơn. Vì vậy, muốn người nghèo, người thu nhập thấp ở vùng khó khăn được tiếp cận với chiều thiếu hụt này, Nhà nước phải có chính sách đầu tư trọng tâm vào vùng đó để thúc đẩy đào tạo, đào tạo kỹ năng, thúc đẩy khả năng, điều kiện tiếp cận tốt hơn cho người lao động ở những vùng đó.

Phải đưa các chương trình đầu tư tốt hơn về những vùng đó, để người nghèo và các đối tượng yếu thế dễ tiếp cận nhất, nhằm nâng cao điều kiện và chất lượng nhân lực của các vùng này. Đồng thời, tạo ra cú huých, vừa nâng cao chất lượng nhân lực, vừa giúp giải quyết các vấn đề khác.

Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Hoàng Hà cho rằng, đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững cần có trọng điểm, tránh dàn trải và đầu tư có hiệu quả. Mục tiêu trong ngắn hạn và trung hạn là giúp người nghèo tham gia quá trình học tập về kỹ năng, học các lớp về giáo dục nghề nghiệp để họ có thể tham gia thị trường lao động.

Nhưng về dài hạn, cần có hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, công bằng, bảo đảm cho mọi đối tượng, mọi thành phần đều được hưởng lợi từ quá trình đó. Chính sách đầu tư của Nhà nước bảo đảm tính cân bằng, không chỉ vùng khó khăn, vùng nghèo, vùng miền núi… mà là tất cả các địa phương, các khu vực.

Ông Đào Trọng Độ cho biết thêm, thời gian qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Do vậy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hướng dẫn các trường chuyển đổi hình thức đào tạo như: từ trực tiếp sang trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp. Trong hai năm 2020, 2021, hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn bảo đảm việc tổ chức đào tạo cho người lao động.

Chỉ tiêu chung để phát triển, mở rộng, nâng cao tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cố gắng giảm thiểu những ảnh hưởng của đại dịch ở mức thấp nhất.

Hiện tại, với các chính sách đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã thích ứng và vận hành tương đối trơn tru. Điều này tạo đà để triển khai những chương trình giảm nghèo này đến các vùng, các địa phương nhanh nhất.

* Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững
a) Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn
Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 15.300 tỷ đồng.
b) Tiểu dự án 2: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 570 tỷ đồng
c) Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững
Tổng nhu cầu vốn thực hiện : 2.610 tỷ đồng
(Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025)

Ngân Anh - nhandan.vn

 

Mới nhất

dkxt