Tái cơ cấu lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), hình thành mạng lưới các trường chất lượng cao (high-quality college), thành lập các trung tâm nghề xuất sắc (Centre of Excellence/Hubs), các Viện nghiên cứu và thực hành GDNN….được coi là một trong những thay đổi mang tính đột phá góp phần vào thành công của hệ thống GDNN của các nước phát triển như châu Âu, Singapore, Úc, Hoa Kỳ…Dù dưới tên gọi hay hình thức nào, các trung tâm/cơ sở này đều hướng đến việc xây dựng, đầu tư và phát triển hình thành các trung tâmđào tạo và thực hành nghề chất lượng cao đủ năng lực để đào tạo, đánh giá, kiểm định, nâng cao năng lực cho cán bộ và giáo viên, nghiên cứu, chuyển giao chương trình, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế và tổ chức các sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động trong nước và quốc tế - là mô hình kiểu mẫu dẫn dắt các cơ sở GDNN khác. Bài viết này đưa ra một số thông tin về một số mô hình tiêu biểu ở một số nước tại các châu lục, tiền đề cho các nghiên cứu sâu hơn về mô hình đặc biệt hiệu quả này.
Các quốc gia châu Âu là nơi khởi đầu cho những khái niệm như Trung tâm Đào tạo nghề Xuất sắc như những mô hình trường cao đẳng chất lượng cao và các viện nghiên cứu, chuyển giao chương trình, kỹ thuật từ rất sớm. Đặc điểm nổi bật của các trung tâm, các cơ sở này là sự đầu tư có trọng điểm của chính phủ và có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là khối doanh nghiệp, ngành nghề, tập trung vào các ngành công nghệ cao; là nơi đào tạo, nâng cao năng lực cho các giảng viên, giáo viên hạt nhân. Các mô hình trung tâm chất lượng cao này cũng được các quốc gia châu Âu chuyển giao và hỗ trợ thiết lập tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Một trong số những mô hình tiêu biểu là Trung tâm Đào tạo Khu vực Lớn (Large Regional Training Centres), Trung tâm Chuyên môn (Centres of Expertise), Trung tâm Thủ công Sáng tạo (Centres of Innovative Craftmenship) tại Hà Lan; Trung tâm Đào tạo nghề xuất sắc ở Anh và Đức; Trung tâm xuất sắc (CoVE) Tknika ở Tây Ban Nha; các “Cụm công nghiệp” (Industrial C tại Bỉ; Mạng lưới các viện kỹ thuật cao (Istituti Tecnici Superiori - ITS) tại Ý…
Úc là quốc gia hàng đầu về hệ thống đào tạo nghề chất lượng cao cho toàn thế giới và hệ thống các trường cao đẳng kỹ thuật công lập (TAFE) được đầu tư trọng điểm ở mỗi bang Tây Úc là các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ uy tín cho các quốc gia khác. Mặc dù có hàng nghìn cơ sở đào tạo tư nhân (RTOs), TAFE luôn được biết đến là điểm đến của sinh viên trên toàn thế giới bởi sự uy tín được Chính phủ bảo đảm; khuôn viên trường học rộng rãi và trang thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới giúp các sinh viên có thể thực hành tại chỗ; hơn 135 lĩnh vực ngành nghề có thể được lựa chọn và đặc biệt, khả năng liên thông linh hoạt với các trường đại học hàng đầu.
Nam Phi là quốc gia phát triển nhất trong khu vực châu Phi và có nền giáo dục kỹ thuật phát triển. Năm 2016, Chính phủ Nam Phi xác định thành lập 13 Trung tâm Chuyên môn hoá (Centres of Specilisation) với nhiệm vụ thực hiện một chương trình học nghề kiểu mới trong 13 ngành nghề ưu tiên đã được xác định có nhu cầu cao. Các trung tâm này được kỳ vọng sẽ trở thành địa điểm thực hành tốt mà các trường cao đẳng khác có thể làm theo và thúc đẩy chất lượng trong các lĩnh vực ưu tiên. Nơi đây cũng là các trung tâm kiểm định, công nhận chất lượng cho các ngành nghề ưu tiên. Cách tiếp cận này cũng được cho là sẽ dẫn đến tăng hiệu quả kinh tế theo quy mô. Các Trung tâm Chuyên môn hoá được thành lập trong các khuôn viên trường cao đẳng công lập hiện có. Quá trình lựa chọn được quản lý bởi Bộ Giáo dục Đại học và Đào tạo và các tổ chức uy tín trong ngành.
Afganistan là một quốc gia có nền GDNN chưa thực sự phát triển nhưng cũng đã xác định tầm quan trọng của việc xây dựng một trung tâm quốc gia về GDNN. Ngày 26/4/2021, Dự án thành lập Trung tâm Quốc gia về GDNN xuất sắc (National Center of Excellence for TVET) tại Afganistan do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và UNESCO tài trợ, phối hợp của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội (MoLSA), Cơ quan GDNN (TVET-A) và Viện đào tạo nghề Afganistan-Hàn Quốc (AKVTI) đã được khởi động. Dự án nhằm mục đích biến AKVTI thành Trung tâm Quốc gia về GDNN xuất sắc và phát triển một mô hình phù hợp để quản lý bền vững AKVTI và các viện kỹ thuật dạy nghề tương tự khác. Dự án hướng đến nâng cao chất lượng thông qua việc cải tiến chương trình giảng dạy và nâng cao năng lực của các nhà quản lý và giảng viên. Ngoài ra, nó sẽ đưa ra các khuyến nghị về hệ thống đánh giá và chứng nhận để đảm bảo chất lượng, và tăng cường mối liên kết của GDNN không chính quy với thị trường lao động thông qua đánh giá thị trường lao động và hướng nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp.
Trường cao đẳng ITE - Singapore
Cuối cùng, có thể nói, thành công nhất trong số các quốc gia phải kể đến đó là Singapore với mô hình “Một hệ thống ITE, Ba trường Cao đẳng” được tiến hành vào đầu những năm 2000. Theo mô hình này, 10 cơ sở nhỏ đào tạo kỹ thuật (ITE) được tập hợp lại và hợp nhất thành ba Cơ sở khu vực và được đổi tên thành Trường Cao đẳng ITE. Mỗi trường Cao đẳng được trao quyền phát triển các lĩnh vực xuất sắc của riêng mình để nâng cao tính linh hoạt và đổi mới của ITE, trong khi trụ sở chính của ITE giám sát toàn bộ hệ thống, cấp chứng nhận, các vấn đề chính sách, xây dựng thương hiệu và nhân sự cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. Sự thay đổi này tạo điều kiện cho việc học tập liên ngành tốt hơn, cung cấp một môi trường, khuôn viên trường sôi động hơn. Hệ thống “Ba Trường Cao đẳng” đã thay đổi nhận thức về ITE. Thay vì các cơ sở đào tạo nhỏ phục vụ người dân địa phương, ITE đã trở thành một liên minh lớn với các cơ sở lớn. Những khu học xá này rộng lớn sánh ngang với các trường cao đẳng và đại học hàng đầu ở nước ngoài, đồng thời, được trang bị đồng bộ các cơ sở vật chất và tiện nghi cho sự phát triển toàn diện. Đây là trung tâm đào tạo, tăng cường phát triển năng lực cho cán bộ cho toàn hệ thống, đồng thời, là trung tâm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu, là nơi tổ chức các hội nghị về GDNN liên quốc gia để chia sẻ các xu hướng GDNN và về các phương pháp giảng dạy tốt nhất.
Việc thành lập và phát triển mô hình trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành chất lượng cao tại Việt Nam là rất cần thiết và đúng thời điểm. Qua kinh nghiệm của các nước phát triển và bối cảnh thực tế của Việt Nam, mô hình trung tâm/trường này phải là các trung tâm chất lượng cao, trung tâm xuất sắc về đaò tạo nghề, phải xác định vai trò và sứ mệnh mới cho các cơ sở GDNN; đổi mới công nghệ và kỹ thuật số, thúc đẩy sáng tạo và đi đầu trong phương pháp thiết kế và chuyển giao các chương trình giảng dạy mới. Bên cạnh đó, các trung tâm này được kỳ vọng sẽ cung cấp các kỹ năng chất lượng cao theo quan điểm học tập suốt đời, thúc đẩy nghiên cứu và sự đổi mới. Điều này có thể cho phép GDNN trở nên hấp dẫn hơn, đáp ứng, bao trùm và có sự gắn kết.
Th.S. Vũ Lan Hương
Phó Chánh Văn phòng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Nguồn: http://gdnn.gov.vn/
Mới nhất
Quyết định phê duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý năm 2024
Phát triển Đảng viên trong Học sinh, sinh viên
Chi bộ khối nghành Kỹ thuật tổ chức kết nạp Đảng viên mới
Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang
Khai mạc hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Thông báo tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý năm 2024
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố phía Bắc: Nhu cầu tuyển dụng 44.504 lao động
Thông tin tuyển dụng tháng 11
Số 1145/CĐNKTCN-HSSV về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường trong Nhà trường
Thông báo kế hoạch tiếp nhận viên chức 06 tháng cuối năm 2024
Giới thiệu chức danh và chữ ký của Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang
Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến